Kinh nghiệm du lịch Sydney – đi như thế nào, mua sắm ở đâu, tham quan gì ở Sydney – luôn là điều mà những người mới du lịch lần đầu Sydney muốn tìm kiếm. Vì thế, bài viết này tập trung chia sẻ kinh nghiệm du lịch Sydney về cách nhập cảnh Úc ở sân bay Sydney, lịch trình tham quan 3 ngày ở Sydney, cách đi lại bằng thẻ Opal trong Sydney và các vùng lân cận.
Mục lục
Kinh nghiệm du lịch nhập cảnh Úc ở sân bay Sydney
Sau khi máy bay đáp xuống sân bay Sydney, các bạn cứ đi theo hướng nhập cảnh vào thành phố Sydney và lấy hành lý. Sau đó, bạn sẽ gặp khu vực cho nhập cảnh tự động với nhiều máy tính được đặt ở khu vực bên tay trái với tiêu đề Eligible for some countries và hiển thị nhiều lá cờ của các nước được cho phép nhập cảnh tự động. Nghĩa là mình đưa mặt có hình ảnh của passport vào máy để quét. Việt Nam không thuộc thành viên được nhập cảnh tự động nên mình đi tiếp sẽ gặp cửa hàng miễn thuế, rồi mới cửa nhập cảnh với nhiều nhân viên hướng dẫn.
Tại đây, có 2 cửa: một cửa không có gì khai báo và một cửa cần khai báo hải quan. Tờ khai nhập cảnh mà mình đã điền trên máy bay có một số mục bắt khai báo như có đem đồ tươi sống không, có đem các loại hạt, sản phẩm từ gỗ, giầy, dép dụng cụ thể thao mà đã sử dụng ở các khu rừng hay vùng chăn nuôi gia súc hay không, có đem trái cây tươi không, có đem sản phẩm từ sữa không… Nếu mình tích có thì sẽ đi vào lối khai báo cùng với hành lý.
Ở đây, nhân viên hải quan lại kiểm tra phiếu khai báo và lại chuyển tiếp qua khu vực khác. Mình khai báo có nhiều mục tuy nhiên đây là sản phẩm khô và không cần bảo quản đông lạnh nên sau khi nhân viên hải quan hỏi lại hành lý bạn có gì thì mình chỉ cần đọc tên các loại mình đem thì họ cho qua mà không cần kiểm tra hành lý. Mình nhận thấy những người mà đóng thùng hành lý là hay bị bắt mở thùng ra để kiểm tra. Một lưu ý là trước khi lên máy bay thì không được đem chất lỏng như nước,… trong hành lý xách tay. Mình đã gặp 2 nhân viên đặt một cái bàn trước lối hướng vào cửa ngồi chờ lên máy bay. Ngoài ra, hải quan Việt Nam cũng rất gắt vụ kiểm tra giấy tờ người đi Úc. Dù passport có đi Châu Âu, Nhật, … mình bị chặn hỏi đòi visa rất gắt.
Kinh nghiệm đi từ sân bay Sydney về trung tâm Sydney
Mình đã chia sẽ kinh nghiệm chi tiết về cách đi từ sân bay Sydney về trung tâm Sydney ở bài trước. Mọi người có thể tham khảo ở đây nhé.
Kinh nghiệm mua thẻ đi lại OPAL ở Sydney
Để đi lại thuận tiện và dễ dàng ở bang New South Wales (NSW) gồm Sydney và các vùng lân cận Sydney thì hầu như mọi người đều phải dùng thẻ OPAL vì không có người thu tiền mặt ở đây. Nếu không có thẻ OPAL thì mình có thể dùng thẻ tín dụng. Theo kinh nghiệm du lịch Sydney của mình, thì dùng thẻ OPAL vẫn tiện hơn thẻ tín dụng vì nếu dùng thẻ tín dụng để trừ tiền đi lại thì bạn có thể bị tốn phí chuyển đổi VND sang AUD.
Kinh nghiệm mua thẻ OPAL ở đâu và cách sử dụng thẻ OPAL như thế nào thì các bạn có thể tham khảo ở bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch Sydney về cách đi từ sân bay Sydney về trung tâm Sydney.
Nộp bao nhiêu tiền vào thẻ OPAL là đủ?
Theo như kinh nghiệm du lịch Sydney vừa rồi của mình thì mình ban đầu nộp 100 AUD vào thẻ cho 5 ngày ở Sydney và đi tùm lum chỗ như núi Blue Mountains từ Sydney, di phà đến sở thú Taronga Zoo, đi lại trong Sydney, di từ sân bay Sydney về trung tâm,… Nhưng cuối cùng lại dư gần 50 AUD trong thẻ nhờ cách đi tiết kiệm từ sân bay Sydney về trung tâm Sydney. Cho nên, nếu các bạn đi ít và ở vài ngày ở Sydney thì có thể nộp 20 – 25AUD. Nếu thiếu thì nộp thêm tiền sau.
Kinh nghiệm tham quan gì ở Sydney
Ở Sydney và vùng lân cận của Sydney có rất nhiều điểm tham quan đẹp và thú vị. Theo kinh nghiệm du lịch Sydney vào dịp mùa thu vừa rồi, một số các điểm tham quan không thể bỏ lỡ chính là: núi Blue Mountains, sở thú Taronga, nhà hát con sò Sydney Opera House, cầu cảng Sydney harbour, đi du thuyền ngắm hoàng hôn ở Sydney. Ngoài ra, nếu có thời gian thì các bạn có thể tham quan thêm thủy cung Sea Life Sydney Aquarium, chợ cá Sydney, bãi biển Manly, bãi biển Bondi, tháp Sydney.
Lưu ý:
- Các điểm tham quan ở Sydney hay ở Úc nói chung mở cửa rất muộn, thường là 09:00 hoặc 10:00 sáng và kết thúc 16:30 hoặc 17:00 tùy thời điểm. Do vậy, các bạn nên sắp xếp thăm quan những nơi mở cửa sớm trước và sắp xếp những nơi có thể tham quan ngoài giờ mở cửa trên vào buổi tối.
- Nhiều địa điểm tham quan bán vé theo xuất tham quan, nghĩa là bạn mua vé tham quan bắt đầu vào giờ nào. Cho nên, các bạn nên tranh thủ mua sớm để có vé vào cổng giờ mình mong muốn.
Lịch trình tham quan Sydney và vùng lân cận
Ngày 1 ở Sydney
Ngày đầu đặt chân đến Sydney và về đến khách sạn thì thường đã tới gần trưa. Cho nên, thời gian còn lại trong ngày các bạn có thể đi tham quan nhà hát con sò Sydney Opera House, ghế đá bà Macquarie, cầu cảng Sydney Harbour bridge, vườn bách thảo hoàng gia Royal Botanic Garden Sydney, khu phố cổ The Rocks, khu giải trí Darling harbour, nhà thờ St Mary.
Tất cả các điểm này nằm trong bán kính 3km từ Central station. Vườn bách thảo hoàng gia Royal Botanic Garden Sydney nằm ngay cạnh nhà hát Sydney Opera House. Nhà hát Sydney Opera House nằm ở ga Circle Quay nên các bạn có thể bắt tàu điện trên mặt đất (tram) hay đi phà ferry tới ga Circle Quay, rồi đi bộ tới nhà hát.
Để hiểu kiến trúc bên trong của một trong những công trình kiến trúc nổi bật và nổi tiếng nhất thế giới, các bạn có thể mua tour đi bộ Nhà Hát Opera Sydney với Hướng Dẫn Viên. Tour kéo dài trong 60 phút. Có 3 xuất để bạn chọn khởi hành tham quan là: 09:00, 10:30, 14:00. Thời gian trở về tùy thuộc vào xuất tham quan mà bạn chọn.
Giá tour đi bộ Nhà Hát Opera Sydney với Hướng Dẫn Viên hiện nay giá 756.299 đ. Tour này bạn cần đặt trước ít nhất một ngày.
Theo mình, mình cực kỳ thích và ấn tượng con đường giao gần với khu vực Town Hall ở quận trung tâm. Những tòa nhà với những bức tường dày cổ kính và những hàng cây cao tuyệt đẹp. Con đường bắt đầu của tàu điện trên mặt đất (tram) khởi hành từ ga Central chạy qua phố China Town, tiếp đến Town Hall và điểm cuối là Circle Quay đẹp, rộng và thoáng. Mình thích chạy bộ trên con đường này bắt đầu từ gần ga Central và chạy tới nhà hát Sydney Opera House và băng xuyên qua vườn bách thảo hoàng gia Royal Botanic Garden Sydney. Khu vực quanh Sydney Opera House rất rộng và thoáng là điểm lý tưởng chạy bộ yêu thích của người dân ở đây.
Sau 1 giờ tham quan bên trong nhà hát Sydney Opera House, các bạn có thể mua vé trải Nghiệm Du Thuyền Hopper ngắm cảng Sydney và ngắm hoàng hôn trên cảng Sydney.
Du thuyền khởi hành từ cảng Darling harbour và Circular Quay. Tùy vị trí mình đang ở mà các bạn có thể chọn giờ khởi hành và điểm khởi hành khác nhau.
Mình chọn mua vé trải nghiệm Du Thuyền Hopper ngắm cảng Sydney xuất khởi hành lúc 15:20 ở cảng Darling do địa điểm của Thủy cung Sea Life Sydney Aquarium mà mình tham quan nằm gần ngay cảng Darling. Giá vé trải nghiệm du thuyền là 543,885đ/ người. Vé này mình có thể mua riêng hoặc mua gói tham quan nhiều địa điểm Sydney Pass có bao gồm hoạt động tham quan này. Du thuyền sẽ khởi hành từ cảng Darling harbour đến Circular Quay, và băng qua Sở thú Taronga Zoo và vịnh Watson rồi quay trở về lại. Trên du thuyền, gần đến mỗi địa điểm tham quan thì có thuyết minh tự động giới thiệu về lịch sử của điểm đó rất thú vị.
Mình đi tháng 4 mùa thu nhưng đi trên biển gần chiều gió mạnh cực kỳ lạnh dù lúc khởi hành trời có nắng. Vì thế, các bạn nhớ đem theo áo ấm, mũ, khăn choàng. Hoàng hôn từ cuối xa chân trời cầu cảng Sydney rất đẹp. Mặt dù thông tin vé trải nghiệm chỉ khoảng 90 phút nhưng theo mình thấy thì gần 2h trải nghiệm trên biển. Du thuyền đưa mình về cảng Circular Quay điểm cuối là gần 17:30.
Ngày 2 khám phá vùng lân cận của Sydney
Một điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Sydney là vườn quốc gia núi Blue Mountains ở Katoomba. Cách Sydney gần 2 giờ 30 phút bằng tàu và bus từ ga Central station, vườn quốc gia núi Blue Mountains và World Scenic là điểm không thể bỏ lỡ. Thời gian tham quan tối thiểu núi Blue Mountains là một ngày.
Chi tiết cách đi núi Blue Mountains từ trung tâm Sydney như thế nào và nên tham quan gì ở núi Blue Mountains và mua vé như thế nào thì mình có viết bài trước. Các bạn có thể tham khảo bài ở đây.
Vé Blue Mountains được bán hết rất nhanh nên các bạn nên mua sớm và tranh thủ đi sớm để có nhiều thời gian tham quan núi Blue Mountains.
Nếu mua vé riêng lẻ tham quan núi Blue Mountains thì giá giao động từ 978.,694 đ đến 1,087,345đ dành cho người lớn tùy ngày thường hay hay cuối tuần/ ngày lễ.
Hoặc các bạn có thể mua gói Sydney Pass gồm các hoạt động tham quan có vé tham quan núi Blue Mountains. Gói vé Sydney Pass có thể bao gồm 2, 3 hoặc 4 hoạt động do mình chọn. Giá gói vé Sydney Pass có 2 hoạt động là 1,451,167đ. Giá gói vé Sydney Pass có 3 hoạt động là 2,109,254 đ.
Sau khi trờ về từ núi Blue Mountains, các bạn có thể đi dạo buổi tối ở khu China Town và khu vực gần ga Town Hall siêu sôi động với nhiều nhóm nhạc trên đường phố.
Ngày 3 tham quan Sydney
Ngày thứ 3 ở Sydney thì các bạn có thể tham quan bãi biển Bondi hoặc chợ cá Sydney vào buổi sáng và buổi chiều tham quan sở thú Taronga. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, để tranh thủ tham quan được bãi biển trong buổi sáng thì các bạn nếu có thuê xe hay được bạn bè chở đi thì có thể tham quan kịp bãi biển Bondi trong buổi sáng. Nếu đi bằng bus và tàu thì khó về kịp thành phố từ bãi biển Bondi để sau đó đi thẳng tiếp tham quan sở thú Taronga. Do chúng ta mất khoảng 40 phút đi tàu và xe bus từ trung tâm quận Sydney tới biển Bondi.
Tham quan sở thú Taronga Zoo
Sở thú Taronga Zoo là nơi sinh sống của hơn 4.000 động vật thuộc 350 loài; Bạn nên dành khoảng 3 -4 tiếng để khám phá toàn bộ sở thú. Sở thú có nhiều loài thú rất là dễ thương như gấu goala, con bồ nông mỏ hồng, chuột túi… đặc biệt sở thú còn có chương trình xiếc chim Flight birds vào các khung giờ khác nhau. Vì thế các bạn nên chụp lại lịch trình xiếc ở cổng vào sở thú sau khi qua cổng soát vé để xem.
Có 2 cách để tới sở thú Taranga Zoo là bus hoặc ferry. Tuy nhiên, ferry là tiện nhất từ Circular Quay. Khi dùng thẻ Opal thì phí trừ trên thẻ từ Circular Quay đến Taranga Zoo khoảng 6 AUD hơn 1 tí. Thanh toán bằng thẻ Opal rẻ hơn nhiều so với mua riêng vé tại phà Circular Quay (8.5AUD).
Nếu mua vé tham quan sở thú Taranga Zoo thì giá vé cho người lớn là 866,270đ. Có 7 xuất để bạn chọn tham quan sở thú là: 09:30, 10:00, 11:00, 12:00, 13:00, 14:00 và 15:00. Xuất tham quan cuối cùng từ 15:00 thay đổi tùy mùa và thời điểm.
Phà từ Circular Quay đi Taronga Zoo có các khung giờ khởi hành sau: 09:05, 11:00, 12:20, 14:15
Thời gian biểu của phà từ sở thú Taronga về Cicular Quay như sau:
Tùy ngày lễ hay ngày thường mà thời gian khởi hành từ sở thú Taronga đi Circular Quay và ngược lại sẽ khác nhau. Để cập nhật thời gian phà chạy thì trước khi đi tham quan Taronga Zoo, các bạn có thể lên trang web Transport NSW để cập nhật lại.
Tham quan bãi biển Bondi
Bãi biển Bondi là một trong những bải biển nổi tiếng ở Sydney với làn nước xanh ngọc bích và bãi cát vàng. Bãi biển Bondi cách khoảng 7km so với quận kinh doanh trung tâm của Sydney.
Có 3 cách để đi đến bãi biển Bondi là:
- Bằng xe hơi: Đi xe hơi từ trung tâm Sydney đến bãi biển Bondi khoảng 20 phút (nếu kẹt xe).
- Bằng mua tour một nửa ngày tham quan Sydney và bãi biển Bondi
Trường hợp bạn không có nhiều thời gian ở Sydney nhưng lại muốn tham quan nhiều nơi nhất có thể thì có thể mua tour tham quan nửa ngày Sydney và bãi biển Bondi. Tour bắt đầu từ 08:00 và kết thúc lúc 12:30. Tour sẽ giới thiệu các điểm nổi bật ở Sydney như phố cổ The Rocks, nhà hát Sydney Opera House, cầu cảng Sydney, cảng Sydney, khám phá các khu vực như Sydney CBD, China Town, Paddington, Rose Bay Giá tour là 1,258,842 đ.
- Băng tàu và xe bus
Một trong những phương tiện phổ biến rẻ và tiện lợi và tàu và bus. Từ trung tâm Sydney, chúng ta có thể bắt tàu và bus để đến bãi biển Bondi. Thời gian cho tổng hành trình này là khoảng 40 phút.
Cách đi bãi biển Bondi Beach bằng tàu và bus:
Central station —inter-city rail: T4- Bondi Junction via Kogarah, 13 phút —> Bondi Junction Station —–đi bộ 0.3km, 3 phút —-> Westfield Bondi Junction, Oxford St —– bus 379 hướng North Bondi, 11 phút —-> trạm xe bus Glenayr Av At Hall St —– đi bộ cỡ 0.5km —-> bãi biển Bondi.
Một chia sẻ kinh nghiệm du lịch Sydney đáng nhớ là bãi biển Bondi thật sự đẹp nếu bạn đi đúng mùa hè nắng. Lúc đó biển xanh ngọc bích, cát trắng. Mình đi biển Bondi lúc mùa thu giữa tháng 4 nên trời hơi lạnh 14 độ – 18 độ tùy ngày. Gió ở biển cực kỳ mạnh nên không ai can đảm để tắm biển. Gió biển càng làm cảm giác lạnh hơi. Mình chỉ đi dạo dọc biển cỡ 15 phút là lên xe vì gió quá lạnh.
Ở khách sạn nào ở Sydney để tiện tham quan?
Tùy nhu cầu và ngân sách mà mỗi người sẽ chọn ở khu vực khác nhau. Tuy nhiên, theo mình thì cứ chọn khách sạn ở gần nhà ga trung tâm hoặc gần các điểm tham quan thị tiện nhất, vừa tiết kiệm thời gian đi lại và có khi lại tiết kiệm tiền bạc.
Ở Sydney thì có các nhà ga chính gần trung tâm và gần các địa điểm tham quan chính ở Sydney trong vòng bán kính 4km trở lại là ga Central station, ga King Cross station, China Town, Hall Town, Cicular Quay. Các địa điểm tham quan gần các khu vực đó như nhà hát Sydney Opera House, cảng Sydney Harbour, cầu cảng Sydney Sydney Harbour bridge, khu phố cổ The Rock,…
Ở Sydney, mình chọn hostel chỉ cách ga tàu Central station cỡ 3 phút đi bộ là 790 on George Backpackers. Hostel này có cung cấp đủ loại giường tầng hoặc phòng riêng. Giường tầng thì khoảng 500.000đ -600.000đ. Phòng 2 người thì cỡ 1.5 triệu. Hostel này có ăn sáng miễn phí và trà sữa tươi. Có nhà ăn và bếp cho mọi người tự nấu nướng. Đặc biệt là có tiệc bánh Pizza miễn phí vào tối thứ 6 lúc 7 giờ tối. Đúng 7 giờ tối thì mọi người phải ngồi vào bàn và có người đi phát bánh pizza cho mỗi người 3 miếng. Nếu bạn xuống trễ thì bánh được phát sạch sẽ. Vì thế tốt nhất là các bạn nên xuống sớm trước 5-10 phút và ngồi sẵn vào bàn trước khi tiệc bắt đầu.
Mình thích hostel này vì ngày trước mặt khách sạn là trạm tàu điện trên mặt đất, gần đó là China Town và nếu chạy bộ tới Nhà hát con sò Sydney Opera House thì cỡ hơn 3.5 km một tí.
Thông tin khách sạn ở Sydney:
790 on George Backpackers (***)
790 George Street, Haymarket, Sydney CBD, Sydney, Australia, 2000
Kinh nghiệm mua sắm ở Sydney
Lần đầu tiên đi mua trái cây ở mấy cái cửa hàng tiện lợi xung quanh khu vực khách sạn mình ở Sydney đúng là siêu mắc. Không những mắc là lại hiếm hàng vì thấy trái cây thì lèo tèo cỡ chục trái đếm được trên đầu ngón tay. Khu vực mình ở nằm ở gần ga Central Station, đi loanh quanh bán kính 1.5km mà không thấy siêu thị to ở đâu, chỉ toàn cửa hàng tiện lợi. Mới 7 giờ tối là nhiều cửa hàng đóng cửa rồi, chủ yếu là cửa hàng tiện lợi bán nước giải khát các loại. Cầm trái táo trên tay mà giá 2AUD. Trái cam cũng 2 AUD. Không ngờ Úc trái cây mắc đến thế. Đồ ăn cũng ít, chắc do mình vừa đến Sydney nên không biết chỗ mua.
Hôm sau tình cờ thấy mấy người khách du lịch ở cùng mình chuẩn bị đồ nấu ăn, nào là cà chua, cà rốt, rau củ, dâu tây, táo,… . Mình lân la hỏi thì mới biết là họ mua ở siêu thị lớn nổi tiếng ở Úc là Woolworths và Coles. Hai cái siêu thị này thì cách Central Station cỡ 3km. Mình có thể bắt tàu điện tram ở trước mặt khách sạn để đi thẳng tới đó. Đúng là 2 siêu thị này bán đủ các loại từ thực phẩm Châu Âu đến Châu Á. Nó như siêu thị Coopmart, Lotte Mart ở Việt Nam mình. Trái cây thì rẻ và đủ chủng loại từ kiwi, táo xanh, táo đỏ, lê xanh, lê vàng, nho xanh, nho đỏ, nho không hạt… Toàn món mình yêu thích haha …
Sau khi đã đi mua sắm ở 2 siêu thị này thì mình thích mua ở Woolworths hơn vì giá cả rẻ hơn và đa dạng chủng loại hơn Coles.
Một điểm mua sắm khác mà các bạn không thể bỏ qua chính là chợ cá Sydney. Ở đây, người ta cũng bán đủ loại trái cây siêu rẻ, và cả rau củ nữa. Nghe đồn là hải sản ở đây rẻ ngon hơn Việt Nam nhưng mình lại chưa có dịp thử vì bận đi gấp vào buổi trưa để tranh thủ tới cuộc hẹn đi bãi biển Bondi.
Tóm lại, với bài chia sẻ chi tiết kinh nghiệm du lịch Sydney ở trên, mình hy vọng các bạn có một chuyến đi thật vui vẻ và thành công.